Sign In

Tin hoạt động Đoàn ĐBQH >> Chính trị

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

09/01/2023 09:05:40 Xem cỡ chữ Google
HĐND - Sáng 7/1, trong phiên thảo luận tại Hội trường, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận đã tham gia ý kiến thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Quốc Luận tham gia ý kiến thảo luận tại Hội trường

Nội dung ý kiến như sau:

Trước hết, tôi cơ bản thống nhất với Hồ sơ quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ trình Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tôi xin tham gia thêm một số nội dung sau:

Thứ nhất, về hiện trạng phát triển quốc gia: Trong thời gian qua chúng ta đã lập và tổ chức triển khai thực hiện rất nhiều loại quy hoạch, tuy nhiên qua nghiên cứu tôi nhận thấy trong báo cáo tổng hợp quy hoạch của Chính phủ trình chưa có đánh giá về việc lập và kết quả tổ chức thực hiện quy hoạch trong thời gian qua, do vậy tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá toàn diện và đầy đủ về việc lập và tổ chức triển khai thực hiện hệ thống các quy hoạch trong thời gian qua, trong đó cần tập trung phân tích, đánh giá sâu những kết quả đã đạt được, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời rút ra được những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thứ hai, về định hướng phát triển các vùng và liên kết vùng: Qua nghiên cứu báo cáo tổng hợp của Chính phủ tôi nhận thấy báo cáo mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng. Trong thời gian qua, vấn đề liên kết vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở hạ tầng, các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các vùng về phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, tư duy phối hợp trong quy hoạch và đầu tư giữa các địa phương chưa được quan tâm. Cơ chế, chính sách về liên kết vùng chưa được ban hành đồng bộ, hiệu quả, chưa tạo tạo điều kiện cho thúc đẩy liên kết. Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn khá mờ nhạt, liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương trong một vùng cũng như giữa các vùng với nhau. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng; cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ cho liên kết vùng; có cơ chế điều phối, quản trị vùng, nghiên cứu thành lập quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng. Đồng thời, cần làm rõ mối quan hệ liên kết giữa các vùng với các trung tâm kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, về các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Báo cáo đã có sự phân tích, đánh giá về một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên một số ngành, lĩnh vực đến năm 2030. Tuy nhiên, tôi cho rằng các mục tiêu, chỉ tiêu đã nêu trong báo cáo chưa đầy đủ, chưa toàn diện, còn thiếu nhiều chỉ tiêu quan trọng, rất khó cho việc xây dựng kế hoạch thực hiện cũng như việc giám sát, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ vào Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và dự báo tình hình trong nước, thế giới để xem xét, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển của đất nước, bổ sung thêm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để các địa phương làm căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh; đồng thời làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá thực hiện quy hoạch.

Thứ tư, về danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện: Qua nghiên cứu tôi nhận thấy hầu hết các dự án đều chưa cụ thể, chưa luận giải được sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa, tác động tới các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng, liên vùng và quốc gia trong quy hoạch. Việc phân kỳ đầu tư đối với một số dự án chưa hợp lý, giai đoạn thực hiện đầu tư của một số dự án quá dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư. Do vậy, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ sở, nguyên tắc, tiêu trí lựa chọn dự án, từ đó rà soát, nghiên cứu, tính toán kỹ danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, đảm bảo các dự án này phải đáp ứng tiêu trí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định của pháp luật, đảm bảo các dự án đưa vào trong quy hoạch phải là các dự án trọng điểm, có tính lan toả, có tác động lớn đến ngành, vùng, liên vùng. Đồng thời cần có dự kiến tổng mức đầu tư và khả năng cấn đối, bố trí nguồn lực cho các dự án; xem xét, tính toán lại việc phân kỳ đầu tư thực hiện các dự án để tăng hiệu quả vốn đầu tư.

Thứ năm, về giải pháp huy động vốn đầu tư: Theo báo cáo tổng hợp quy hoạch của Chính phủ thì dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển của giai đoạn này khoảng 48,3 triệu tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư công khoảng 6,78 triệu tỷ đồng). Tôi cho rằng đây là con số rất lớn, đạt khoảng 35% GDP, do vậy, Chính phủ cần cân nhắc, tính toán kỹ để đảm bảo tính khả thi, nhất là là nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước; Chính phủ cần có thêm những phân tích, đánh giá về khả năng cân đối, huy động để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của giai đoạn này; tiếp tục rà soát, đánh giá lại các chương trình, dự án để đảm bảo dự báo đúng, dự báo sát nhu cầu về nguồn lực, từ đó có những giải pháp chiến lược căn cơ, bài bản, khả thi để huy động nguồn lực cho đầu tư, đặc biệt là nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước.

Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h