Sign In

Hoạt động tiếp xúc cử tri >> Chính trị

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái

03/05/2024 10:35:17 Xem cỡ chữ Google
HĐND - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Cử tri kiến nghị xem xét, nghiên cứu sớm sửa đổi Bộ Luật Lao động trong đó bổ sung quy định độ tuổi nghỉ hưu theo từng lĩnh vực

1. Cử tri kiến nghị: Xem xét, nghiên cứu sớm sửa đổi Bộ Luật Lao động trong đó bổ sung quy định độ tuổi nghỉ hưu theo từng lĩnh vực, đồng thời bổ sung đối tượng công nhân lao động trực tiếp trong một số lĩnh vực đặc thù và giáo viên mầm non vào nhóm có thể nghỉ hưu sớm hơn so với quy định để đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù công việc.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 309/LĐTBXH-VP ngày 18/01/2024 như sau:

Vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, Quốc hội đã thống nhất ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó Điều 169 và Điều 219 quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan. Vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của người lao động, đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 05 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).

Tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động, quy định: Bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; xem xét ý kiến của người sử dụng lao động để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tại Điều 2 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, quy định: Hằng năm, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động chủ động rà soát, đánh giá Danh mục nghề theo phương pháp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và quản lý trong từng thời kỳ.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, người sử dụng lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Điều 22 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Điều 2 Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH và Điều 9 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH nhằm bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách nói chung cho người lao động, trong đó có việc làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động.

 

2. Cử tri nêu ý kiến: Tại khoản 2 Điều 56 của Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định về Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: “2. Các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ bao gồm:

a) Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;

b) Phục hồi chức năng lao động;

c) Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội;

d) Huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Luật này"

Theo quy định trên nội dung chi cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ còn hẹp (hàng năm chi tối đa không quá 1.000 tỷ đồng), trong khi nguồn quỹ này hiện đang kết dư rất lớn (khoảng 65.000 tỷ đồng). Do đó, cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét bổ sung vào Luật An toàn, vệ sinh lao động các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ: “Điều dưỡng, phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và suy giảm sức khỏe; chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ; chi đầu tư các thiết chế phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động; huấn luyện và nghiên cứu các giải pháp khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động” nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời tại Văn bản số 122/LĐTBXH-VP ngày 10/01/2024, như sau:

Phần kết dư của Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được dự chi trả dài hạn cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tính đến năm 2023, số người hưởng trợ cấp hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trên 55.000 người và ngày càng tăng.

Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định: Hằng năm, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Một số chế độ đang được quy định cụ thể:

- Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp đối với người lao động quy định tại Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Việc khám sức khoẻ cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

- Nội dung hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Việc hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ được nghiên cứu, đánh giá, xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật An toàn, vệ sinh lao động trong thời gian tới.

Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h