Các Ban của HĐND chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thu thập thông tin, nghiên cứu các quy định của pháp luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và thực tiễn tình hình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.
Thực hiện phối hợp thẩm tra giữa các Ban HĐND trong đó phân công cụ thể một Ban chủ trì, các Ban khác phối hợp thẩm tra để đảm bảo kết quả thẩm tra trình kỳ họp được đánh giá toàn diện.
Các Ban HĐND chủ động phối hợp với cơ quan trình hồ sơ dự thảo nghị quyết ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xây dựng để nghiên cứu, trao đổi, thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau; tăng cường khảo sát thực tế, thu thập thông tin từ cơ sở để nâng cao chất lượng báo cáo thẩm tra làm căn cứ cho đại biểu thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết.
Xác định trọng tâm thẩm tra, lựa chọn phương pháp thẩm tra hợp lý, hiệu quả. Đối với những vấn đề quan trọng mời cơ quan chức năng, chuyên gia tư vấn, tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân nhằm đảm bảo tính khách quan, khoa học. Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực HĐND chủ trì cùng lãnh đạo các Ban HĐND, lãnh đạo UBND trao đổi, thảo luận để đảm bảo sự thống nhất trước khi trình HĐND biểu quyết thông qua và trong tổ chức thực hiện.
Phát huy vai trò của đại biểu HĐND là thành viên Ban HĐND trong hoạt động thẩm tra; báo cáo thẩm tra cần tập trung phân tích, phản biện và đưa ra các kiến nghị thể hiện chính kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, nêu rõ những vấn đề tán thành, không tán thành, những vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh và nêu lý do cụ thể. Đồng thời, đề xuất những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để trình HĐND xem xét, quyết định.
Ban Biên tập