Sign In

Tin Hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Ban Pháp chế HĐND: Kinh nghiệm và giải pháp góp phần nâng cao chất lượng tham gia chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh

14/01/2022 02:13:22 Xem cỡ chữ Google
HĐND - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác tham gia chuẩn bị các nội dung tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh thời gian qua thuộc lĩnh vực Ban Pháp chế phụ trách được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, ngày càng nề nếp, hiệu quả, chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng lên, về cơ bản, báo cáo thẩm tra của Ban được các đại biểu dự kỳ họp tán thành, được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp và các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp.

Hội nghị giao ban Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND cấp huyện

Điều 109 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND: “Tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp của HĐND liên quan đến lĩnh vực phụ trách; thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực phụ trách do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công” và Điều 108 Luật quy định “Ban Pháp chế của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực thi hành Hiến pháp và pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính ở địa phương”.

Thực hiện quy định của Luật và phân công của Thường trực HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tham gia và phối hợp chuẩn bị các nội dung liên quan để HĐND tỉnh tổ chức thành công 04 kỳ họp. Cụ thể:

 Về hoạt động thẩm tradự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực phụ trách hoặc được Thường trực HĐND phân công:

Thực hiện Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tại các kỳ họp thường lệ, Ban đã tiến hành thẩm tra báo cáo công tác 06 tháng, hằng năm của UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự tỉnh; đồng thời thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh về: Công tác phòng, chống tham nhũng; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; báo cáo về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri.

Lĩnh vực pháp chế có nhiều loại báo cáo (07 loại) trình kỳ họp HĐND theo quy định phải được thẩm tra, trong đó có 04 báo cáo của UBND và 03 báo cáo của các cơ quan tư pháp. Ban Pháp chế đã chủ động liên hệ và yêu cầu các cơ quan tham mưu giúp UBND xây dựng báo cáo và các cơ quan tư pháp gửi trước dự thảo báo cáo, để Ban có thời gian và tài liệu nghiên cứu, thẩm tra.

Ngoài các báo cáo thuộc lĩnh vực phụ trách, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban đã tiến hành thẩm tra đối với 08 đề án, dự thảo nghị quyết; xem xét, thẩm tra, tham mưu cho Thường trực HĐND các thủ tục, quy trình để bầu cử các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Về tham gia các nội dung khác để chuẩn bị kỳ họp HĐND: Thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, nắm bắt thông tin Ban xây dựng, tham mưu cho Thường trực HĐND tỉnh nội dung một số câu hỏi chất vấn, yêu cầu giải trình, gợi ý thảo luận tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các Ban HĐND thẩm tra, cho ý kiến về việc thực hiện thủ tục, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh trình tại các kỳ họp HĐND.

Nhìn chung, công tác tham gia chuẩn bị các nội dung tổ chức kỳ họp HĐND tỉnh thời gian qua thuộc lĩnh vực Ban Pháp chế phụ trách được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, ngày càng nề nếp, hiệu quả, chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng lên, về cơ bản, báo cáo thẩm tra của Ban được các đại biểu dự kỳ họp tán thành, được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp và các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp.

Tuy nhiên, trong thực tế công tác tham gia chuẩn bị kỳ họp thuộc chức năng, nhiệm vụ của Ban HĐND cũng gặp một số khó khăn như: Việc UBND, các ngành gửi tài liệu, hồ sơ một số báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết thiếu đầy đủ và sát ngày họp thẩm tra, làm ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, xem xét của các thành viên Ban HĐND. Mặt khác, đa số thành viên các Ban HĐND chỉ am hiểu sâu về một lĩnh vực nhất định và hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến thẩm tra chưa nhiều, chất lượng ý kiến tham gia còn hạn chế.

Từ thực tế hoạt động tham gia chuẩn bị các nội dung trình kỳ họpHĐND thời gian qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh xin đưa ra một số kinh nghiệm và giải pháp liên quan đến nhiệm vụ chính của Ban HĐND là thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND để các đại biểu cùng bàn bạc, thảo luận:

Thứ nhất, Căn cứ chương trình kỳ họp, các Ban HĐND cần lựa chọn các nội dung liên quan lĩnh vực phụ trách tiến hành khảo sát, giám sát, chủ động làm việc với các ngành, đơn vị có liên quan để thu thập thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác thẩm tra, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và kịp thời phục vụ kỳ họp theo quy định.

Đối với các báo cáo trình tại kỳ họp mang tính chất định kỳ quy định tại Điều 59 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Ban cần chủ động tiến hành giám sát, khảo sát, làm việc với các ngành, địa phương theo chương trình giám sát của Ban để có cơ sở thẩm tra kết quả thực hiện. Căn cứ vào kết quả giám sát, kết hợp nghiên cứu, đối chiếu báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo của các cơ quan hữu quan với các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm đã được xác định trong kế hoạch giao của cấp trên, Chương trình hành động của cấp ủy, nghị quyết của HĐND cùng cấp để có cơ sở đánh giá chính xác kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ. Nội dung báo cáo thẩm tra của Ban được chuẩn bị theo hướng trình bày chuyên sâu về các vấn đề chính, nội dung cần phân tích, đề xuất kiến nghị, không dàn trải quá nhiều.

Đối với các đề án, dự thảo nghị quyết thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, các Ban cần chủ động phối hợp từ đầu với cơ quan soạn thảo trong quá trình chuẩn bị đề án, dự thảo nghị quyết, cùng thảo luận để thống nhất quan điểm về những vấn đề cụ thể; xử lý chặt chẽ những vấn đề kỹ thuật, bố cục văn bản, nâng cao chất lượng văn bản trình ra kỳ họp HĐND. Muốn vậy, UBND hoặc cơ quan được UBND phân công soạn thảo đề án, dự thảo nghị quyết cần tạo điều kiện để các Ban được dự họp, tham gia ý kiến ngay từ quá trình chuẩn bị và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết.

Thứ hai, sau khi có văn bản phân công thẩm tra của Thường trực HĐND, các Ban xây dựng kế hoạch thẩm tra, liên hệ với cơ quan được phân công soạn thảo dự thảo nghị quyết nhằm kịp thời nắm bắt thông tin, nội dung nghị quyết được phân công thẩm tra, đồng thời yêu cầu cơ quan trình dự thảo nghị quyết thực hiện nghiêm túc việc chuyển hồ sơ dự thảo nghị quyết theo thời gian quy định. Các Ban tập hợp các căn cứ pháp lý và các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết gửi đến các thành viên Ban trước để nghiên cứu, xem xét. Lãnh đạo Ban có thể căn cứ vào lĩnh vực công tác, phân công các thành viên Ban nghiên cứu sâu từng nội dung để tham gia ý kiến xác thực, có chất lượng. Đồng thời, tranh thủ ý kiến của Thường trực HĐND, xin ý kiến tư vấn các chuyên gia đối với các vấn đề có tính chuyên môn sâu.

Thứ ba, khi xây dựng báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết cần làm rõ căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn; đánh giá sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với chủ trương của Đảng và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, dự báo tính khả thi của nghị quyết. Nội dung nào qua thẩm tra chưa đồng ý hoặc đề nghị bổ sung, làm rõ thì nêu lý lẽ cụ thể; đồng thời, nêurõ các vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau và đề xuất phương án xử lý trình HĐND xem xét quyết định. Báo cáo thẩm tra của Ban cần gửi xin ý kiến Thường trực HĐND trước khi trình ra kỳ họp.

Thứ tư, nâng cao chất lượng hoạt động của các thành viên Ban: Từng thành viên Ban cần phải chủ động nghiên cứu, cập nhật, nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của địa phương, nhất là các văn bản mới ban hành liên quan đến lĩnh vực Ban phụ trách. Do là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, nhưng với vai trò, trách nhiệmđược pháp luật và HĐND giao, các ủy viên Ban cần bố trí thời gian hợp lý, thỏa đáng tham gia các hoạt động của Ban, phát huy hiểu biết, tri thức, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực công tác để góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ban. Cùng với đó, Thường trực HĐND các cấp cần thường xuyên quan tâm tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng thẩm tra, giám sát để các thành viên Ban HĐND hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật./.

Hà Thái Thọ, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h