Sign In

Tin Hoạt động >> Kinh tế

Nghị quyết 69 HĐND tỉnh Yên Bái: Nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển Kinh tế - xã hội tại địa phương

05/01/2022 08:29:55 Xem cỡ chữ Google
HĐND - - Mặc dù mới là năm đầu triển khai Nghị quyết 69 trong cả giai đoạn 2021-2025, song có thể khẳng định Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh chính là nguồn lực quan trọng trong đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, trở thành động lực giúp người dân phát huy được lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mang lại thu nhập cao.

Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh là nguồn lực quan trọng trong đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao

Chính sách sát hợp, đổi mới cách tiếp cận

Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá từ thực tiễn sản xuất, khắc phục những tồn tại, hạn chế đồng thời kế thừa các chính sách phát huy hiệu quả để đề ra giải pháp chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn mới.

Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 có 16 chính sách gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất chè vùng cao liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển sản xuất chè vùng thấp liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển sản xuất cây ăn quả liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển dược liệu; Hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển sản xuất Sơn tra liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững; Hỗ trợ phát triển sản phẩm măng tre Bát độ; Hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản liên kết theo chuỗi giá trị; Hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô vừa và lớn theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ; Hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; Hỗ trợ lãi suất vốn vay để sản xuất con giống lợn an toàn; Hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và Một số chính sách khác.

Nội dung của chính sách có sự đổi mới, thay đổi căn bản trong cách tiếp cận thông qua hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, qua đó nâng cao nhận thức của người dân về gắn sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm cho sản xuất phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân phát triển sản xuất vẫn được bố trí lồng ghép giúp người dân dễ tiếp cận để phát triển mở rộng các vùng nguyên liệu hàng hóa.

Quyết liệt, đồng bộ trong tổ chức triển khai

Ngay sau khi Nghị quyết 69 được ban hành Ủy ban nhân dân tỉnh đã tích cực, khẩn trương, quyết liệt trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Ban hành văn bản Hướng dẫn 01 cụ thể, chi tiết về hồ sơ, thủ tục, trình tự các bước triển khai thực hiện từng chính sách đảm bảo đúng quy định; phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương; phê duyệt kinh phí; phê duyệt các dự án về phát triển sản xuất dược liệu liên kết theo chuỗi giá trị, các dự án mô hình mới, đảm bảo đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của các địa phương.

Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị quyết số 69; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chuyên môn phụ trách, theo dõi, hướng dẫn các địa phương; tổ chức kiểm tra, kịp thời giúp các địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ điều tra, khảo sát xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo nhu cầu của địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX).

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực, chủ động trong chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị chuyên môn quản lý, theo dõi, triển khai thực hiện từng nội dung công việc. Chỉ đạo tổng hợp nhu cầu thực hiện chính sách trình ủy ban nhân dân tỉnh; phê duyệt các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thuộc thẩm quyền; phê duyệt phân bổ kinh phí chi tiết từng dự án đến cấp xã và phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng theo quy định; làm tốt công tác thẩm định, kiểm tra, nghiệm thu; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của cơ sở để tổng hợp đề nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn giải quyết.

Ủy ban nhân dân cấp xã đã tổ chức cho các đối tượng đăng ký tham gia thụ hưởng chính sách đảm bảo quy định; phối hợp chặt chẽ với phòng chuyên môn của huyện hướng dẫn, đôn đốc các Doanh nghiệp, HTX, tổ họp tác, nhân dân triển khai thực hiện, hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đảm bảo quy định.

Nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi triển khai Nghị quyết, công tác tuyên truyền được được các cấp, các ngành, các địa phương tích cực, chủ động tổ chức thực hiện với nhiều hình thức đa dạng: Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của huyện, thị xã, thành phố; tổ chức các hội nghị cấp huyện, xã, thôn; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Một số huyện có cách làm hay như: Huyện Văn Yên tổ chức hội thảo bàn về thực hiện Nghị quyết số 69 với sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu...; huyện Văn Chấn in và phát tờ rơi đến các hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn; huyện Trấn Yên tổ chức cuộc thi tìm hiểu về Nghị quyết số 69 và Hướng dẫn 01.

Để Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa, chuyển biến trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách đã được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai thực hiện một cách khẩn trương, sâu rộng bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả. Qua đó, mặc dù là năm đầu triển khai thực hiện khung chính sách giai đoạn 2021 - 2025, song đến nay đã có 13/16 nội dung chính sách đã được các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký tham gia thực hiện, còn lại 3 chính sách chưa có đơn vị đăng ký thực hiện, gồm có: (1) Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản liên kết theo chuỗi giá trị; (2) Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; (3) Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay để sản xuất con giống lợn an toàn.

Kết quả, năm 2021 chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị: Có 26/27 dự án đăng ký được triển khai thực hiện.

Về chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc sản hữu cơ: Thực hiện với 943 cơ sở chăn nuôi (đạt 82,5% KH); đến nay đã tổ chức nghiệm thu được 600 cơ sở (đạt 52,5% KH). Thực hiện tốt các dự án mô hình mới và chính sách hỗ trợ cải tạo đàn trâu bò.

Về chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng nguyên liệu theo hướng bền vững: thực hiện được 1.425 ha (đạt 71,2% KH) tại 2 huyện Văn Chấn, Yên Bình.

Quá trình thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh cho  thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 69 đã được ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị quan tâm triển khai quyết liệt, nhiều địa phương đã huy động được sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, góp phần bước đầu đưa nghị quyết đi vào cuộc sống và được nhân dân đồng thuận, ủng hộ, tích cực thực hiện. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 69 cơ bản thuận lợi, bảo đảm đúng theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Các chính sách của Nghị quyết số 69 đã phát huy hiệu quả và đang trở thành động lực để thu hút đầu tư vào ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Việc lập, thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng, mức hỗ trợ các chính sách đảm bảo công khai, minh bạch theo các quy định của Nghị quyết 69 và Hướng dẫn 01 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chuyên môn. Công tác kiểm tra, nghiệm thu, giải ngân cơ bản đảm bảo đúng đối tượng.

Việc thực hiện chính sách đã giúp các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình thay đổi tư duy sản xuất, thực hiện sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, chất lượng, gắn với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhiều HTX, Tổ hợp tác được thành lập mới, năng lực và chất lượng hoạt động của các HTX, Tổ hợp tác được nâng cao, nhất là trong chủ trì, tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Có thể khẳng định Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh chính là nguồn lực quan trọng trong đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành lên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, trở thành động lực giúp người dân phát huy được lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mang lại thu nhập cao.

Tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn lực từ Nghị quyết 69

Để tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết 69, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền. Chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, triển khai nội dung nghị quyết và các văn bản hướng dẫn để các đối tượng thụ hưởng chính sách nắm đầy đủ, sâu nội dung từng chính sách và các văn bản hướng dẫn, từ đó tích cực tham gia và thực hiện đúng quy định; hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tiếp cận, đăng ký tham gia thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định. Đồng thời tích cực thu hút, mời gọi các doanh nghiệp và thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm nông sản của tỉnh.

Các ngành, địa phương rà soát, kiểm tra tiến độ thực hiện từng chính sách; có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình khắc phục khó khăn về thuê tư vấn, cung ứng giống, trang thiết bị,... do thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, nghiệm thu; thực hiện giải ngân ngay khi hạng mục, dự án hoàn thành, đảm bảo quy định; đồng thời tiếp tục chỉ đạo rà soát đăng ký nhu cầu kế hoạch hỗ trợ của năm 2022, đặc biệt là sớm chỉ đạo đăng ký, thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách tại cơ sở, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đạt hiệu quả.

Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo đảm cho sản xuất phát triển ổn định, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, để đề ra phương hướng giải pháp thực hiện cho những năm tiếp theo.

Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025. Tin tưởng rằng với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, cùng với việc tăng cường công tác giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết 69 sẽ phát huy hiệu quả, thực sự trở thành nguồn lực quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả trong phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giúp người dân ổn định đời sống, nâng cao thu nhập.

Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h