Sign In

Hoạt động các kỳ họp >> Văn hóa - Xã hội

Ban VH-XH HĐND tỉnh: Phát huy vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực vào thành công các kỳ họp Hội đồng nhân dân

19/01/2022 08:11:33 Xem cỡ chữ Google
HĐND - Kỳ họp Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động quan trọng của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là nơi quyết định những vấn đề cốt yếu, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chất lượng tổ chức kỳ họp phụ thuộc vào một chuỗi các quy trình, từ chuẩn bị nội dung, chương trình, công tác thẩm tra, điều hành kỳ họp... Mỗi một khâu được thực hiện tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Đồng chí Hoàng Thị Lan Hương - Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh phát biểu tại Kỳ họp HĐND

Ban Văn hóa - xã hội có 09 thành viên, đồng chí Trưởng ban và Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách và 07 Ủy viên hoạt động động kiêm nhiệm. Ban thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; trên cơ sở quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ban phụ trách các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục, thể thao và chính sách tôn giáo trên địa bàn tỉnh.

Tại các kỳ họp, Ban luôn xác định công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, phải đảm bảo đúng quy trình, khách quan, khoa học trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ theo quy định của cấp có thẩm quyền làm cơ sở để Hội đồng nhân dân quyết nghị những chính sách quan trọng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Do đó, để nâng cao chất lượng thẩm tra ngay từ khi các ngành chuẩn bị xây dựng dự thảo nghị quyết Ban đã chủ động tiếp cận, tham dự để nắm bắt vấn đề thẩm tra từ sớm.

Trong hoạt động thẩm tra, Ban luôn tuân thủ theo quy trình thẩm tra quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, đồng thời có sự vận dụng linh hoạt, đổi mới để hoạt động thẩm tra vừa đảm bảo đúng quy trình, vừa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, hiệu quả phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương. Sau khi tiếp nhận hồ sơ dự thảo nghị quyết, các thành viên của Ban Văn hóa - xã hội, đã chủ động nghiên cứu tài liệu, phân công các thành viên chuẩn bị ý kiến trọng hội nghị thẩm tra. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, kết quả khảo sát, giám sát, các văn bản quy định của Trung ương, định hướng, chủ trương của tỉnh, các vấn đề được nắm bắt qua báo trí, qua dư luận xã hội, qua tiếp xúc cử tri… Ban đề nghị các cơ quan có liên quan giải trình làm rõ những nội dung trong tờ trình, dự thảo nghị quyết, các vấn đề chưa giải trình được tại hội nghị thì yêu cầu giải trình bằng văn bản để xem xét. Sau hội nghị thẩm tra yêu cầu có báo cáo giải trình, tiếp thu gửi lại theo thời gian quy định.

Trên cơ sở kết luận của chủ toạ hội nghị thẩm tra, cơ quan trình phối hợp với Ban và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chuẩn bị tài liệu, các nội dung liên quan trình phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân mở rộng. Báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân là kết quả của quá trình thực hiện chức năng giám sát, thẩm tra của Ban do đó, báo cáo cần phải đảm bảo đúng quy định, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong báo cáo cần làm rõ những nội dung nhất trí, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, đề xuất giải pháp, một số ý kiến chưa nhất trí (nếu có)… qua đó giúp cho các đại biểu HĐND có được thông tin và có cơ sở để quyết định biểu quyết đối với nghị quyết thông qua tại kỳ họp.

Bên cạnh công tác thẩm tra, hoạt động thảo luận tại tổ, tại hội trường là một trong các hoạt động quan trọng tại kỳ họp, thực hiện theo quy định của luật, vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của của đại biểu Hội đồng nhân dân. Hoạt động thảo luận tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân luôn cần sự đổi mới, linh hoạt, sáng tạo của chủ tọa kỳ họp, của tổ trưởng tổ thảo luận. Các ý kiến tham gia phát biểu, thảo luận sẽ giúp cho Hội đồng nhân dân tỉnh có những quyết sách được rõ ràng, minh bạch, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, tập chung được trí tuệ, dân chủ của các đại biểu tham dự kỳ họp. Thời gian thảo luận tại tổ, tại hội trường thường dành thời gian gần 02 buổi (một buổi thảo luận tại tổ, nửa buổi thảo luận tại hội trường). Ngoài tăng số lượt đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia thảo luận nên mở rộng thành phần tham gia thảo luận là các đại biểu lãnh đạo được mời dự kỳ họp, các ngành liên quan đến nội dung trình kỳ họp.

Để có được ý kiến phát biểu tại tổ, tại hội trường tốt, được ghi nhận, các đại biểu cần chuẩn bị tốt tâm thế, trang phục, nội dung cần phát biểu, phát biểu trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng vì mục đích chung cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong nội dung phát biểu trình bày chỉ nên đề cập đến một hoặc hai nội dung đi sâu vào phân tích và nêu kiến nghị. Nội dung phát biểu phải bám sát định hướng thảo luận của chủ tọa kỳ họp của đồng chí tổ trưởng, tránh nói dài, nói lạc đề, không trọng tâm. Để chuẩn bị tốt nội dung phát biểu, đại biểu cần có cái nhìn toàn diện, nghiên cứu kỹ tài liệu, cập nhật thông tin, số liệu cần thiết, những vấn đề liên quan, những vấn đề chưa rõ cần tham khảo ý kiến chuyên gia, những người có kinh nghiệm hiểu biết sâu về lĩnh vực, nếu phát biểu chưa thực sự tự tin thì chuẩn bị thật tốt bằng văn bản để trình bày cho rõ ràng, mạch lạc, đủ ý, khoa học.

Tuy nhiên trong hoạt động thẩm tra, đối với những nội dung rộng, phức tạp, liên quan, ảnh hưởng, tác động đến nhiều đối tượng, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực mà hồ sơ gửi tới Ban để thẩm tra ngắn, chưa đúng thời gian quy định nên thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập, tiếp nhận thông tin hoặc tham vấn ý kiến chuyên gia, những người hiểu biết về lĩnh vực hay tham khảo ý kiến của các tỉnh bạn chưa được nhiều. Khi thẩm tra, nòng cốt vẫn là Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách, các thành viên Ban do hoạt động kiêm nhiệm chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của Ban nên ý kiến tham gia phát biểu còn chưa sâu, chưa thuyết phục, một số thành viên Ban còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trước những vấn đề đưa ra.

Để khắc phục những khó khăn hạn chế trên các thành viên của Ban cần nâng cao tinh thần trách nhiệm nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thường xuyên nghiên cứu chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, nắm vững tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, tự nghiên cứu, học tập nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, có quan điểm, chính kiến, phương pháp, cách thức tham gia trong hội nghị thẩm tra để đạt hiệu quả tốt nhất.

Đối với hoạt động thảo luận tại tổ, tại hội trường. Trong quá trình phát biểu sự chuẩn bị chưa kỹ, chưa rõ hoặc chưa kịp thời cập nhật thông tin liên quan đến vấn đề phát biểu nên khó khăn trong việc tranh luận, lập luận, chứng cứ về một vấn đề cụ thể để chứng minh quan điểm, kết luận của mình về một vấn đề. Mặt khác, khi phát biểu thường xảy ra tâm lý như e ngại, sợ đụng chạm đến các cấp, các ngành, nhất là lãnh đạo hoặc chưa có kinh nghiệm dẫn dắt vấn đề cần phát biểu nên ý kiến phát biểu chưa thực sự tốt.

Để khắc phục tình trạng trên, mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân khi phát biểu thảo luận tại tổ, tại hội trường cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đại biểu HĐND là đại diện cho quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, nói lên tiếng nói của Nhân dân. Trước khi phát biểu phải chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, kiến thức, tự tin, phát biểu trên tinh thần lấy lợi ích chung làm tiêu chuẩn, không gắn động cơ cá nhân hoặc bảo vệ lợi ích của cơ quan, đơn vị, địa phương trong phát biểu.

Ban Biên tập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h