Sign In

Tin hoạt động Đoàn ĐBQH >> Chính trị

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đóng góp ý kiến dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

30/10/2023 08:23:31 Xem cỡ chữ Google
HĐND - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Quốc Luận - đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Quốc Luận - đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái

1. Về quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ của các địa phương, quy định tại Điều 42:

Tại điểm c, khoản 1, Điều 42 trong dự thảo Luật quy định: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc giao Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất …”. Tôi cho rằng, quy định địa phương phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư là không cần thiết, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, tại khoản 2, Điều 44 đã quy định: “Tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ do Thủ tướng Chính phủ quy định”. Quy định này cũng tương tự như việc Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc tại các trụ sở; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác; các địa phương căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý sử dụng; các bộ, ngành chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra theo cơ chế “hậu kiểm”, không cần phải cho ý kiến thống nhất trước khi địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thứ hai, quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 42 nêu trên cũng không thống nhất với các trường hợp địa phương thực hiện dự án mua hoặc thuê nhà ở thương mại để làm nhà công vụ được quy định tại Điều 43, khi đó địa phương không phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thứ ba, nhiều địa phương có các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ cho giáo viên, nhân viên y tế, cán bộ luân chuyển, biệt phái đến làm việc tại các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo; nhiều dự án trong số này có quy mô nhỏ, bao gồm một vài căn nhà cấp 3 (thậm chí là cấp 4), không có trang bị nội thất. Việc phải xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng đối với các dự án này là thực sự không cần thiết.

Vì các lý do trên, tôi đề nghị lược bỏ nội dung xin ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 42 nói trên để không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm kéo dài thời gian thực hiện và gây khó khăn cho các địa phương.

2. Về phát triển nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân (người dân hay gọi là chung cư mini), quy định tại Điều 57 của dự thảo luật:

Cá nhân tôi ủng hộ việc bổ sung, hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở này, vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở, vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản, linh hoạt. Thực tế, ngay tại các nước phát triển hiện vẫn duy trì loại hình nhà ở này.

Tuy nhiên, nghiên cứu dự thảo Điều 57, tôi nhận thấy các quy định chưa thật đầy đủ và đang tiếp cận theo hướng ứng xử như đối với trường hợp phát triển dự án nhà ở thương mại (trừ trường hợp xây dựng tòa nhà có dưới 20 căn hộ chỉ để cho thuê), đồng thời quản lý sử dụng như nhà chung cư. Quy định như vậy chưa thực sự phù hợp và rất khó khả thi. Chẳng hạn đã là cá nhân thì không thể đáp ứng đầy đủ điều kiện chủ đầu tư dự án nhà ở quy định tại Điều 35 (phải có tư cách pháp nhân, có năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án nhà ở…); hoặc nếu quản lý sử dụng theo mô hình quản lý nhà chung cư thì phải có ban quản trị, phải có quỹ bảo trì…

Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại điều này theo hướng: Nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát về quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng; tiêu chuẩn chất lượng; bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ; quá trình giao dịch, quản lý sử dụng không phát sinh tranh chấp. Đồng thời, đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này. Trong trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các quy định, thì có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc, và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình nhà ở này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận, quản lý sử dụng.

3. Về quy định Tổng lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân quy định tại Khoản 4 Điều 80

Sau khi nghiên cứu, xem xét tôi thống nhất với Phương án 1: “Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê”. Tôi cho rằng trong bối cảnh nguồn lực nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa mặn mà với đầu tư nhà ở xã hội, việc quy định Tổng Liên đoàn lao động tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn để cho công nhân, người lao động có nhu cầu về nhà ở thuê là cần thiết, phát huy nguồn lực phát triển nhà ở xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước, tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, đảm bảo an sinh xã hội cho công nhân, người lao động. Tuy nhiên, tôi thống nhất với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần có giải pháp cân đối nguồn lực để đảm bảo tính khả thi của dự án đầu tư, do đây là các dự án nhà ở cho thuê, vốn đầu tư lớn nhưng thời gian thu hồi vốn dài; đồng thời cần sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan của một số luật có liên quan tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có cơ sở triển khai thực hiện. Đề nghị Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cần có những cơ chế, chính sách hợp lý để quản lý, thực hiện việc đầu tư và cho thuê nhà ở xã hội để nâng cao hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư.

Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h