Sign In

Tin Hoạt động >> Chính trị

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương

15/04/2022 10:12:51 Xem cỡ chữ Google
HĐND - Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”. Thay mặt các đồng chí chủ trì Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình đã định hướng nội dung thảo luận tại Hội nghị:

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban công tác đại biểu HĐND tỉnh Hòa Bình

Kính thưa đồng chí Nguyễn Khắc Định, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội,

Kính thưa đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình,

Kính thưa đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình,

Kính thưa các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND các đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố cùng toàn thể các đồng chí.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, hôm nay Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 với chủ đề Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Thay mặt các đồng chí chủ trì Hội nghị, tôi nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã về dự Hội nghị rất đông đủ; chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Kính thưa các vị đại biểu,

Ngay sau thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng HĐND các tỉnh, thành phố đã kịp thời tổ chức kỳ họp thứ nhất (nhiệm kỳ 2021-2026) đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Lãnh đạo Quốc hội, đại diện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian đến dự, chỉ đạo kỳ họp thứ nhất của HĐND một số tỉnh, thành phố, và đã chỉ đạo, định hướng, gợi mở nhiều vấn đề quan trọng để các tỉnh, thành phố xem xét, quyết định các biện pháp, giải pháp đặc biệt, đặc thù để phòng chống dịch và phát huy những lợi thế của địa phương, góp phần từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa thực hiện các nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Qua theo dõi hoạt động từ đầu nhiệm kỳ cho thấy, với sự nỗ lực và quyết tâm cao, hoạt động của HĐND khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc đã đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có sự chủ động phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, an sinh xã hội; Các địa phương kịp thời kiện toàn công tác tổ chức của HĐND đảm bảo hoạt động được liên tục; đổi mới tổ chức Kỳ họp theo hướng thích ứng, linh hoạt trong điều kiện đại dịch Covid-19; điều hòa hoạt động các ban của HĐND và tổ đại biểu HĐND; duy trì tốt các phiên họp của Thường trực HĐND. Tổ chức nhiều kỳ họp chuyên đề trong năm đã góp phần chủ động trong việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương. Theo thống kê từ đầu nhiệm kỳ đến nay có địa phương đã ban hành 120 Nghị quyết, có tính khả thi cao, có sức lan toả, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nguyện vọng chính đáng của cử tri, làm cơ sở pháp lý quan trọng để thể chế, chỉ đạo triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của các tỉnh trong khu vực đã đề ra.

Hoạt động các Ban của HĐND và Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND đảm bảo đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Hoạt động giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm; phương thức giám sát theo hướng gọn về thành phần, tăng cường hoạt động khảo sát trước khi tổ chức giám sát; hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc; công tác theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân thực hiện thường xuyên, có hiệu quả…

Qua theo dõi thực tế và từ báo cáo các địa phương, đặc biệt là qua kết quả tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về hoạt động giữa Ban Công tác đại biểu với các Ban của HĐND và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND 14 địa phương vào chiều hôm qua 8/4, các ý kiến trong buổi tọa đàm đã nêu lên nhiều kinh nghiệm quý trong việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp từ đó ngày càng khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đồng thời cũng thắng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế, đó là:

+ Tình trạng gửi tài liệu chậm từ phía các cơ quan soạn thảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kỳ họp, ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND. Từ đó tính hình thức ở một số nội dung thông qua tại kỳ họp vẫn còn khá phổ biến.

+ Công tác phối hợp chưa được thực hiện một cách hiệu quả, chặt chẽ, kịp thời; một số nơi cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo nghị quyết chưa chủ động mời các Ban của HĐND tham gia ngay từ giai đoạn đầu quá trình xây dựng nghị quyết, dẫn đến nội dung, hình thức chuẩn bị còn hạn chế, thiếu kịp thời hoặc chưa đủ cơ sở thẩm tra.

+ Tình trạng bổ sung nội dung kỳ họp hoặc đưa ra khỏi nội dung chương trình kỳ họp khi kỳ họp đã đến gần vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Việc thảo luận ở Tổ, thảo luận ở Hội trường cũng chưa thật khoa học, tính sát thực còn hạn chế.

+ Hiệu quả công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít; hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu.

+ Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm.

Đây là những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra ở một số nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chậm được khắc phục, hoặc chưa có giải pháp mang tính đột phá.

Để làm rõ và sâu sắc các nội dung của Chủ đề Hội nghị và khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HĐND để hướng tới mục tiêu tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của HĐND các cấp, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, Chủ tọa Hội nghị đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung trọng tâm sau.

Thứ nhất, kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao chất lượng việc chuẩn bị kỳ họp HĐND tỉnh. Việc gửi tài liệu chậm là tồn tại rất khó khắc phục. Vậy giải pháp nào để có được những Nghị quyết sát, đúng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khắc phục được tính hình thức của kỳ họp.

Đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để đổi mới nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND trong việc chủ động phối hợp với UBND, UBMTTQ cùng cấp xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung kỳ họp; công tác điều hòa, phối hợp, điều hành kỳ họp; chương trình xây dựng Nghị quyết, nâng cao chất lượng hoạt động; vai trò thẩm định, thẩm tra, kiến nghị của các ban HĐND; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của HĐND tỉnh; những điều kiện đảm bảo tổ chức thành công kỳ họp và việc tổ chức đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ họp.

Thứ hai, kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát; việc giải quyết kiến nghị của cử tri; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh

Hoạt động giám sát, chất vấn, giải trình của Hội đồng nhân dân và tại phiên họp của Thường trực HĐND là chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Do đó, đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng chuẩn bị nội dung, chủ đề chất vấn, giải trình và công tác điều hành của chủ tọa kỳ họp; kinh nghiệm về việc lựa chọn vấn đề; việc mời các đại biểu HĐND và các khách mời tham dự; cách thức ban hành nghị quyết, kết luận phiên giải trình; kinh nghiệm về công tác thông tin tuyên truyền và giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận., tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND và người trả lời chất vấn, giải trình.

Kinh nghiệm, giải pháp đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hiệu giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đây là những hoạt động quan trọng của HĐND tỉnh vì vừa là hình thức thể hiện quyền làm chủ của cử tri thông qua người đại diện của mình, vừa thể hiện trách nhiệm của người đại biểu HĐND trước cử tri. Giám sát để đảm bảo mọi phản ánh, ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri và công dân được cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, giải quyết thỏa đáng, đúng quy định, tạo sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội, góp phần khẳng định vị thế của cơ quan dân cử ở địa phương. Vì vậy, đề nghị các đồng chí thảo luận, trao đổi những kinh nghiệm về việc lựa chọn nội dung giám sát; về cách thức tổ chức, đối tượng, phạm vi giám sát; giải pháp nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiến nghị của cử tri; kinh nghiệm xử lý đối với trường hợp cơ quan, đơn vị không giải quyết hoặc giải quyết nhưng không kịp thời, đầy đủ và thỏa đáng các đơn thư; kiến nghị của cử tri.

Thứ ba, kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ đại biểu, đại biểu HĐND được quy định trong các văn bản pháp luật và được thể hiện ở rất nhiều phương diện hoạt động khác nhau nhưng trọng tâm là thực hiện trách nhiệm cầu nối giữa cử tri với nhà nước. Trách nhiệm lớn nhất của đại biểu HĐND là phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân. Mỗi đại biểu HĐND phải gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước, tuyên truyền vận động Nhân dân thực hiện chính sách pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND là một yêu cầutất yếu và quan trọng đặt ra từ thực tiễn, từ cử tri đối với HĐND và với mỗi đại biểu dân cử. Từ việc tiếp xúc cử tri, việc bố trí thời gian tiếp công dân đến họat động khảo sát, giám sát, chất vấn, thảo luận tại các ban, tại các kỳ họp cũng cần tiếp tục đổi mới đảm bảo yêu cầu hoạt động của Đại biểu HĐND là hoạt động trung tâm, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của HĐND.

Thứ tư, dự kiến trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với HĐND các cấp, để góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hệ thống cơ quan dân cử, đáp ứng ngày càng cao sự kỳ vọng, tin tưởng, gửi gắm ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài đối với Quốc hội, của cử tri và nhân dân ở các địa phương đối với HĐND, do vậy, tại Hội nghị hôm nay, chúng tôi cũng rất mong muốn các đồng chí chia sẻ, góp ý, đề xuất những ý kiến cụ thể để bảo đảm sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp.

Thứ năm, vừa qua, tại một số Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và Hội nghị Thường trực HĐND khu vực, có ý kiến cho rằng: cần tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND để giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để giải quyết kịp thời yêu cầu của thực tiễn, tuy nhiên, nội dung này cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó, đề nghị các đại biểu nghiên cứu, phát biểu và đề xuất cụ thể. (Theo Điều 104 Luật tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân có 10 nhiệm vụ, quyền hạn; Nghị quyết 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn một số hoạt động của Hội đồng nhân dân không quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND trong giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp).

Ngoài những nội dung gợi ý trên, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm để Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương như giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng trong công tác lãnh đạo tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của HĐND; công tác lựa chọn, giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; thực trạng và giải pháp công tác quy hoạch, bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách HĐND các cấp; đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các đại biểu HĐND; việc phát huy vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác thông tin, tuyền thông hoạt động của Thường trực HĐND đến với cử tri và nhân dân địa phương…

Kính thưa các vị đại biểu,

Nội dung tham luận của Thường trực HĐND các tỉnh đã được Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình và Ban Công tác đại biểu tập hợp, in gửi tới các quý vị đại biểu để nghiên cứu. Vì vậy, đề nghị các vị đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi sâu phân tích, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, đồng thời nêu lên những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong luật, nghị quyết, đặc biệt trong hoạt động thực tiễn tác động, ảnh hưởng đến việc đổi mới phương thức hoạt động nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND và kiến nghị những nội dung cụ thể với các cơ quan có thẩm quyền.

Để đảm bảo thời gian và có nhiều lượt đại biểu được phát biểu, đề nghị đại diện mỗi tỉnh phát biểu không quá 10 phút.

Kính thưa các vị đại biểu,

Đây là Hội nghị đầu tiên của khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc trong nhiệm kỳ 2021-2026, chúng ta vinh dự được đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội tham dự và trực tiếp chỉ đạo, cùng với đại diện lãnh đạo của một số cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các vị đại biểu của Thường trực HĐND 14 tỉnh trong khu vực cùng với sự tham dự của Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, An Giang, Thanh Hóa, Ninh Bình Hà Nam. Đây sẽ là dịp để HĐND các tỉnh trong và ngoài khu vực chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động HĐND trong thời gian tới.

Tôi tin tưởng rằng Hội nghị sẽ tiếp thu được nhiều kinh nghiệm hay và bài học quý giúp hoạt động của HĐND ngày càng chất lượng, hiệu quả, khẳng định được vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyên vọng của Nhân dân địa phương.

Thay mặt Ban Tổ chức, xin trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Khắc Định, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình và đại biểu các địa phương đã dành tình cảm và thời gian quý báu để đến dự Hội nghị. Xin chúc Hội nghị của chúng ta thành công thật tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ban Biên tập

Các bài khác

Xem thêm »

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h